Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ngày 9/4 nhận định thâm hụt ngân sách của nước này sẽ tăng hơn 20% trong năm nay và vượt mức 1.000 tỷ USD vào năm 2020, chủ yếu do cải cách thuế hồi tháng 12 năm ngoái.
Theo CBO, dự luật cắt giảm thuế trị giá 1.500 tỷ USD trong 10 năm mà đảng Cộng hòa đề xuất và được Quốc hội thông qua hồi tháng 12 năm ngoái cùng với dự luật tăng chi tiêu 1.300 tỷ USD mà lưỡng đảng ủng hộ được phê chuẩn tháng trước sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong ngắn hạn nhưng sẽ không lớn như kỳ vọng của Nhà Trắng.
CBO nhận định thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ tăng lên 804 tỷ USD trong tài khóa 2018 (kết thúc vào 30/9/2018), tương đương 4,2% GDP, so với mức 665 tỷ USD của tài khóa 2017. Trước khi gói cắt giảm thuế được đưa ra, CBO dự báo mức thâm hụt sẽ giảm xuống 563 tỷ USD. Vào năm 2020, con số này sẽ tăng lên trên 1.000 tỷ USD và sẽ vượt mức 5% GDP vào năm 2022.
Trong khi đó, theo dự báo của CBO, tăng trưởng GDP năm 2018 sẽ đạt mức 3,3%, trước khi giảm xuống 2,4% trong năm 2019 và hạ xuống 1,8% vào năm 2020. CBO cho rằng việc cắt giảm thuế sẽ giúp GDP của Mỹ tăng thêm 0,7% trung bình trong thập niên tới. Chính quyền của Tổng thống Trump hy vọng tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy để có thể tăng nguồn thu thuế và nhờ đó bù đắp cho việc cắt giảm thuế, nhưng các nhà kinh tế cho rằng điều này là không thực tế.
Theo CBO, khi chi phí thanh toán lãi suất các khoản vay tăng do lãi suất tăng, Mỹ sẽ buộc phải tiếp tục đi vay để bù vào nguồn thu thuế bị sụt giảm. Do đó, nợ công của Mỹ sẽ tương đương 100% GDP trong thập niên tới. Lượng trái phiếu chỉ do Bộ Tài chính phát hành được cho là sẽ tăng từ 16.000 tỷ USD vào cuối năm 2018 lên 29.000 tỷ USD vào năm 2028, tương đương 96% GDP, mức lớn nhất kể từ năm 1946 và cao hơn gấp đôi mức trung bình của năm thập niên qua./.
Thâm hụt ngân sách Mỹ có thể vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2020
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) chủ trì cuộc họp nội các. (Nguồn: AFP/TTXVN)